Dụng cụ đa năng là gì?
Khi mới ra đời, mỗi công cụ chỉ tập trung thực hiện một chức năng mà thôi, những dụng cụ như vậy được gọi là dụng cụ truyền thống. Theo thời gian, khi mà nhu cầu sử dụng của con người ngày càng tăng cao, trong một số trường hợp, thay vì phải mang vác nhiều dụng cụ riêng biệt để thực hiện các công việc khác nhau thì người ta lựa chọn những dụng cụ đa năng để sử dụng.
Đúng như tên gọi của mình, “Dụng cụ đa năng” là các dụng cụ được tích hợp nhiều chức năng trên cùng một sản phẩm. Hay nói theo cách khác, với công cụ đa năng, con người có thể thực hiện được nhiều công việc, thao tác khác nhau chỉ với một dụng cụ. Bởi vậy mà trong tiếng Anh, người ta sử dụng cụm từ “Multi-tools” để nói về “Dụng cụ đa năng”, trong đó “Multi” có nghĩa là “Nhiều”, “Đa” còn “Tools” nghĩa là “Dụng cụ”, “Công cụ”.
Sự ra đời và phát triển của dụng cụ đa năng
Ý tưởng về việc kết hợp nhiều dụng cụ trong một sản phẩm đã được nhen nhóm từ rất lâu về trước, mà cụ thể ở đây là từ thời La Mã cổ đại. Tại thời kỳ đỉnh cao, đế chế La Mã trải dài từ phía Tây Bồ Đào Nha đến phía Đông vịnh Ba Tư và từ phía Bắc Vương quốc Anh tới phía Nam Ethiopia. Đó là một vùng lãnh thổ rộng lớn có diện tích 1.7 triệu dặm vuông.
Một số người dân La Mã trong quá trình di chuyển từ vùng đất này sang vùng đất khác đã nhận ra rằng rất khó để có thể mang được tất cả những vật dụng cần thiết trong mỗi chuyến đi. Một vài người trong số đó không sẵn sàng từ bỏ các vật dụng ăn uống của mình như dao, nĩa, thìa,… nhưng cũng không muốn mang theo nhiều dụng cụ truyền thống, bởi vậy mà họ đã thử kết hợp nhiều đồ vật lại với nhau.
Bằng chứng là đã có những dụng cụ làm từ sắt hoặc bạc thô sơ có hình dạng vừa là thìa vừa là nĩa, vừa là cuốc vừa là dao được phát hiện ở một số nơi trong khu vực Địa Trung Hải. Theo nhận định của các nhà khảo cổ, căn cứ vào vật liệu chế tạo của các dụng cụ, tài sản này có thể thuộc về nhóm người tương đối khá giả vào khoảng những năm 200 – 300 Công Nguyên. Đây có thể xem như là dấu hiệu lâu đời nhất mà nhân loại ghi nhận được về sự xuất hiện của công cụ đa năng.
Mặc dù các phiên bản khác của dụng cụ đa năng vẫn được phát hiện ở đâu đó trong suốt tiến trình lịch sử nhưng phải tới cuối những năm 1800, tức là sau gần hai thiên niên kỷ tính từ thời điểm bộ dụng cụ gấp La Mã được tạo ra, các dụng cụ đa năng mới được chế tạo nhiều hơn và dần dần trở nên phổ biến như bây giờ cùng với sự phát triển của các nhà sản xuất dụng cụ.
Đặc điểm của dụng cụ đa năng
1. Tính đa năng
Đặc điểm làm nên sự khác biệt của công cụ đa năng so với các dụng cụ truyền thống nằm ở tính đa năng của sản phẩm. Không quá khi nói rằng các dụng cụ đa năng được kết tinh từ sự sáng tạo tuyệt vời của những nhà sản xuất công cụ. Xuất phát từ nhu cầu và điều kiện, hoàn cảnh sử dụng thực tế, đi cùng với đó là sự am hiểu về bản chất, thiết kế, cấu tạo của những vật dụng khác nhau, các nhà sản xuất đã khéo léo kết hợp những tính năng tưởng chừng như không liên quan với nhau vào cùng một sản phẩm, tạo nên tính đa năng cho dụng cụ.
2. Tính ứng dụng cao
Chính vì sở hữu nhiều chức năng nên một sản phẩm đa năng thường có tính ứng dụng rất cao.
3. Thiết kế nhỏ và gọn
Để kết hợp nhiều dụng cụ vào một sản phẩm thì việc “thu nhỏ hóa” thiết kế của dụng cụ đa năng là điều tất yếu. Nếu mỗi một bộ phận của dụng cụ đa năng đều có kích cỡ như các vật dụng thông thường thì sẽ không khác gì việc phải mang nhiều công cụ truyền thống bên mình.
Một đặc điểm khác mà chúng ta thường thấy ở các dụng cụ đa năng chính là thiết kế gập. Và nếu như dụng cụ có kích cỡ quá to thì sẽ khó để tối ưu được thiết kế gập này. Bởi vậy mà khi chế tạo công cụ đa năng, các nhà sản xuất thường lựa chọn thiết kế nhỏ và gọn nhất có thể cho sản phẩm.
4. Nguyên lý hoạt động đơn giản
Đặc điểm này một phần xuất phát từ nguyên nhân phần lớn các dụng cụ được tích hợp trong sản phẩm đa năng đều là những vật dụng thường gặp như: dao, kéo, tuốc nơ vít, cưa, dũa, kìm, dụng cụ mở nắp,… Bản thân những công cụ truyền thống này cũng không khó sử dụng nên khi được kết hợp lại trên cùng một dụng cụ thì cũng không làm phức tạp hóa sản phẩm.
5. Tính di động
Đặc điểm này là kết quả của tính đa năng, tính ứng dụng cao, thiết kế nhỏ gọn và nguyên lý đơn giản của sản phẩm đa năng mà Công Cụ Tốt đã phân tích ở trên, trong đó, sự nhỏ gọn về mặt thiết kế chiếm một vai trò quan trọng giúp hình thành tính di động của dụng cụ đa năng. Nhờ tối ưu về mặt thiết kế, đa dạng về mặt chức năng, linh hoạt về khả năng ứng dụng, đơn giản về nguyên lý mà người dùng có thể dễ dàng mang dụng cụ đa năng đến bất cứ đâu. Việc cất giữ và bảo quản chúng cũng dễ hơn nhiều so với các công cụ truyền thống.